Xã Khánh Bình Tây: tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch biển đảo
Xã Khánh Bình Tây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá thứ 3 của huyện Trần Văn Thời. Đồng thời, xã còn là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch và là đầu mối kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc tỉnh Cà Mau, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện và các vùng lân cận.
Khánh Bình Tây có diện tích tự nhiên 5.456,59 ha, dân số 3.265 hộ, với 13.396 khẩu, có 03 dân tộc anh em sinh sống gồm Kinh, Hoa và Khơme, trong đó dân tộc khơme 441 hộ, với 1.863 khẩu. Với vị trí địa lý có 4,8 km đường bờ biển, Khánh Bình Tây là địa bàn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố thời tiết như: triều cường, gió lốc, nhất là vào mùa mưa bão. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Bình Tây tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường bảo vệ môi trường, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò mũi nhọn và không ngừn phát triển. Ngoài ra, các mô hình sản xuất của xã luôn được mở rộng và phát triển như: làm mắm ruốc ở ấp Kinh Hòn, trồng đậu xanh dưới ruộng, lúa - cá đồng, nuôi cá bổi thương phẩm đem lại thu nhập khá cho nông dân. Bình quân thu nhập đầu người trên địa xã Khánh Bình Tây hiện nay trên 21 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 9,6 triệu đồng).
Bên cạnh, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ hàng năm đều tăng. Các ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nước đá, nước đóng chai, chế biến thuỷ sản, kim khí điện máy, hàng hoá tiêu dùng phát triển mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. 12/12 ấp đều có lộ nông thôn, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Bưu chính, viễn thông trong những năm gần đây phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân trên địa bàn. Cơ sở khám chữa bệnh của xã Khánh Bình Tây hiện nay cơ bản bảo đảm được nhu cầu khám, chữa bệnh và điều trị cho nhân dân tại đây. Trong nhiều năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng được quan tâm phát triển và đạt được kết quả khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trường, lớp kiên cố hoá ngày càng tăng.
Song song đó, khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch cũng phát triển khá mạnh. Hiện nay, Khánh Bình Tây có tổng số phương tiện khai thác thủy sản là 329 chiếc, trung bình mỗi năm ngư dân nơi đây khai thác khoảng 6.500 tấn thủy sản các loại. Ngư dân ở đây, ngoài việc vươn tàu ra khơi đánh bắt thủy sản nâng cao thu nhập cho cuộc sống gia đình thì họ cũng luôn có ý thức giữ gìn ngư trường thuộc lành thổ nước ta.
Ngoài đánh bắt thủy sản trên biển thì xã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.450 ha, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.500 tấn. Xã có diện tích rừng tràm 150,04 ha. Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm đóng trên địa bàn, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sống trong khu vực rừng tràm luôn nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ rừng.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Cà Mau, HĐND, UBND huyện, xã Khánh Bình Tây đã quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và an ninh quốc phòng, cùng các chính sách xã hội khác. Từ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được ổn định, các loại tội phạm từng bước được đẩy lùi; trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được củng cố, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Khánh Bình Tây có Khu du lịch Hòn Đá Bạc với những cảnh quan thiên nhiên biển, đảo, lợi thế cho phát triển du lịch. Không to lớn như những đảo biển khác trong nước, nhưng Hòn đảo này có vị trí quan trọng trong việc khai thác biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhất là khai thác du lịch. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay hòn Đá Bạc là tiếng gọi hấp dẫn, thu hút du khách tìm về khi đến Cà Mau tham quan những điểm du lịch sinh thái khác. Đặc biệt, là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển với Lăng Ông ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Trong Lăng có trưng bày bộ xương cá Voi khá lớn để thờ phượng. Hằng năm, đến ngày 23.5 Âm lịch, hòn Đá Bạc lại rộn ràng đón tiếp hàng ngàn lượt người đến cúng Ông Nam Hải. Mỗi năm Khu du lịch Hòn Đá Bạc đón trên 130.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh (có cả khách nước ngoài) đến tham quan, doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Ngoài phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ có một điều đặc biệt khiến du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vì nơi đây còn in đậm những dấu tích lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã tấn công, bức rút trung đội pháo 105 ly mà địch dùng để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía tây Cà Mau, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch và giải phóng hoàn toàn Hòn Đá Bạc. Đặc biệt sau năm 1975, Hòn Đá Bạc là nơi diễn ra chuyên án CM12 (kéo dài từ tháng 9/1981 đến 09/9/1984) của lực lượng an ninh Việt Nam, đập tan âm mưu của bọn phản động do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Đặc biệt hơn, trên Hòn còn có Đền thờ Bác Hồ, ai đến đây cũng đều ghé viếng và thắp nén hương tưởng nhớ đến Người. Việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ giữa khơi xa không chỉ thể hiện tấm lòng người Cà Mau với Hồ Chủ tịch mà còn có ý nghĩa cùng Bác đồng hành trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ bình yên của Tổ quốc và truyền lửa truyền thống cho thế hệ tương lai của đất nước. Ngày 11/6/2009 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245 công nhận di tích "Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12" là Di tích lịch sử Quốc gia.
Từ một địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, hòn Đá Bạc nay đã “thay da đổi thịt” trở thành một trong những khu du lịch thu hút bên bờ biển Tây, đón biết bao lượt khách đến chiêm ngưỡng, thư giãn. Hòn Đá Bạc giờ đã có hệ thống nhà hàng, khách sạn, điện nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Hiện nay, một hệ thống cầu nối giữa ba hòn đảo giúp du khách rút ngắn thời gian đi lại. Con đường đi quanh các hòn cũng đã được bê tông hóa (giả cây gỗ) nhưng không phá vỡ cảnh quan thơ mộng và hùng vĩ nơi đây. Hiện nay, trên Hòn có 40 người sinh sống là nhân viên công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ, du lịch Minh Nhựt. Có lợi thế là khu du lịch Hòn Đá Bạc, đã kéo theo các dịch vụ phục vụ cho du lịch luôn được phát triển, nhất là các dịch vụ mua bán vừa và nhỏ. Từ đó, sức tiêu thụ hàng hóa khá cao, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Với thế mạnh là nông nghiệp cùng với tiềm năng về du lịch và những lợi thế sẳn có của địa phương, trong tương lai không xa Khánh Bình Tây sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế giàu mạnh của huyện Trần Văn Thời.