Được ví như “Cà Mau thu nhỏ”, với đa dạng các hệ sinh thái, Huyện Trần Văn Thời có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Trên cơ sở khai thác những tài nguyên du lịch sẵn có, thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển du lịch và định hướng phát triển du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, những năm gần đây, Huyện Trần Văn Thời đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch trên địa bàn…
Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc, tuyệt tác của thiên nhiên, mang đậm dấu ấn lịch sử và những giá trị tâm linh của người dân miền biển. Là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch khi đến với huyện Trần Văn Thời.
Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, UBND Huyện Trần Văn Thời, đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tập trung cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, đón ít nhất 150.000 lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm và đến năm 2030, đón ít nhất 200.000 lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm; tạo việc làm tăng thêm thu nhập trên 2.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.
GIÀU TIỀM NĂNG
Huyện Trần Văn Thời có bờ biển dài 34km, diện tích tự nhiên 70.346 ha, đơn vị hành chính chia thành 11 xã và 02 thị trấn, với 153 ấp, khóm; là địa phương ghi dấu ấn với nhiều chiến tích lịch sử, có tiềm năng du lịch, các điểm thu hút du khách như: Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Đầm Thị Tường và các lễ, hội truyền thống như: Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc, các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer và 06 di tích được xếp hạng là di tích Quốc gia, 04 địa điểm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; đặc biệt, Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc vừa được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội truyền thống. Bên cạnh các khu, điểm du lịch, Huyện Trần Văn Thời còn có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch từ các làng nghề, các sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu như: Làng nghề chuối khô ở xã Trần Hợi, nhãn hiệu cá khô bổi U Minh, mật ong U Minh và gần đây là khô mực Sông Đốc, cá bớp Hòn Chuối và nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong năm 2020. Với những lợi thế đó, lượng khách và doanh thu du lịch hàng năm đều tăng; một số loại hình du lịch dần được hình thành như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, trong năm 2020, đã mở được tuyến du lịch biển Sông Đốc - Nam Du - Phú Quốc. Đây là tuyến du lịch biển, đảo đầu tiên của tỉnh Cà Mau, góp phần phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Cà Mau nói chung và Huyện Trần Văn Thời nói riêng; giúp cho du khách có những trải nghiệm thú vị, tạo sức bật cho ngành du lịch của tỉnh, của Huyện Trần Văn Thời và góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
“Huyện Trần Văn Thời còn có nhiều khu di tích lịch sử, khu du lịch tâm linh, các khu du lịch sinh thái gắn với nghệ thuật đờn ca tài tử, mang đậm bản sắc của cư dân nam bộ. Bên cạnh đó, Huyện Trần Văn Thời còn có hệ sinh thái đa dạng gồm 2 vùng, mặn ngọt, ngư trường rộng lớn, có rừng, có biển, có đảo và sự đa dạng về sản vật, sản phẩm đặc trưng cũng như ẩm thực, quà tặng, lưu niệm sẻ đảm bảo được sự hài lòng của du khách khi đến tham quan, du lịch tại Huyện Trần Văn Thời”. Ông Nguyễn Chí Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Trần Văn Thời cho biết.
ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ CHO DU LỊCH
Xây dựng và phát triển du lịch trên địa bàn Huyện Trần Văn Thời trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của huyện đạt thương hiệu du lịch khu vực giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt vùng nông thôn, những năm gần đây, huyện chủ trương phát triển nhiều mô hình du lịch gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để đạt kết quả, huyện tập trung xây dựng các phương án phát triển sản phẩm du lịch; triển khai lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, điểm dừng chân, nơi nghỉ dưỡng cho khách du lịch phù hợp với quy hoạch chung và phù hợp với điều kiện thực tế của huyện nhà, đảm bảo tính khả thi xây dựng cơ chế kêu gọi và thu hút đầu tư một cách hợp lý nhằm khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng sẵn có tại địa phương và phát triển các giá trị văn hóa của các cụm di tích lịch sử, văn hóa.
Điểm du lịch Cà Mau - Eco, Ấp vồ Dơi, xã Trần Hợi, Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Với các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, dự kiến khi đi vào hoạt động góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch của huyện Trần Văn Thời.
Mời gọi đầu tư xây dựng và mở rộng khu, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, cộng đồng như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc,Khu tưởng niệm nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi), Vườn Quốc gia U Minh hạ, Đầm Thị Tường; Hình thành tour du lịch ra Hòn Chuối; Kết nối tuyến du lịch biển Sông Đốc - Hòn Chuối - Hòn Khoai; hỗ trợ khai thác tốt tuyến du lịch Sông Đốc - Nam Du - Phú Quốc. Song song đó, tập trung phát triển ngành nghề truyền thống làm cá khô biển, mực khô, tôm khô ở thị trấn Sông Đốc, cá khô bổi, mật ong, gạo đặc sản ở các xã vùng ngọt hóa, chuối khô thương phẩm ở xã Trần Hợi... Phát triển dịch vụ mua sắm, ẩm thực tại các khu, điểm du lịch. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác tốt các sản phẩm đặc trưng. Chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo sự lan tỏa trong và ngoài tỉnh, phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch Huyện Trần Văn Thời. Hiện nay, huyện có 11 sản phẩm OCOP hạng 03 sao, có 04 nhãn hiệu tập thể gồm “Cá khô bổi U Minh”, “Chuối khô Trần Hợi”, “Mực khô Sông Đốc”, “Cá bớp Hòn Chuối”; có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Gồm: Cá khô bổi Tư Hùng, Ấp 3, Xã Trần Hợi; Trà Xạ Đen túi lọc; Trà Đinh Lăng túi lọc; Trà dây Thìa Canh túi lọc của Cty TNHH sx TM Hùng Khánh, ấp Mũi Tràm c, xã Khánh Bình Tây Bắc. Các sản phẩm từng bước được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, mở rộng sản xuất và đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường, bước đầu phục vụ cho phát triển du lịch của huyện.
Ông Nguyễn Chí Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Trần Văn Thời, thông tin thêm. “Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với xây dựng thái độ phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện tạo môi trường du lịch cảm xúc để thu hút du khách. Tập trung trú trọng thu hút các khách hàng tiềm năng gắn với mở rộng đối tượng khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tại các điểm dừng chân, các khu du lịch cộng đồng. Tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các tuyến du lịch như tuyến du thuyền Hòn Đá Bạc - Phố biển Sông Đốc - Đầm Thị Tường và ngược lại… Đồng thời phát triển các điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, các lễ hội dân gian, khu du lịch tâm linh và phát huy hết các thế mạnh du lịch của Huyện Trần Văn Thời”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch của huyện cũng như hoạt động đầu tư và thu hút nguồn lực xây dựng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện. Quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm du lịch. Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể trong công tác phát triển du lịch của huyện.