Huyện Trần Văn Thời: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc điểm đến lý thú của du khách
Sau những ngày làm việc căng thẳng, bộn bề vất vã với những tính toán lo toan, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, tham quan du lịch để thư giản tinh thần sau những ngày lao động mệt nhọc. Tìm đến điểm du lịch nào để được đáp ứng các nhu cầu của du khách luôn là vấn đề thời sự của khách du lịch và các nhà đầu tư cho du lịch.
Su hướng hiện nay, đa số khách du lịch đều muốn tìm đến không khí trong lành ở các điểm du lịch sinh thái và tín ngưỡng dân gian truyền thống; ở đó du khách được chiêm ngưỡng vẽ đẹp của thiên nhiên ban tặng, ở đó có không gian yên bình để chiêm nghiệm; ở đó không có sự ồn ào, náo nhiệt, không có các công trình chọc trời...nên có thể trãi lòng với thiên nhiên, hòa quyện với đất trời “âm dương đồng nhất lý”, dễ dàng tìm về quá khứ tuổi thơ hồn nhiên trong trắng.
Về quê hương Trần Văn Thời, du khách thường tìm đến các địa danh như: thị trấn Sông Đốc sầm uất đầy ắp cá tôm; Hòn Đá Bạc in dấu chân Tiên gắn liền với chiến công vang vội CM12, phá tan âm mưu lật đỗ chính quyền của thế lực thù địch; Đầm Thị Tường ở xã Phong Điền được ví như túi đựng hải sản của các dòng sông thuộc 3 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân; rừng đặc dụng Vồ Dơi, một phần Vườn quốc gia U Minh hạ nằm trong Khu dự trữ sinh quyển của thế giới; hay các địa điểm gắn liền với sự kiện văn hóa tín ngưỡng dân gian như Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc; huyền thoại về nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) ở xã Khánh Hải… tất cả đã đi vào tiềm thức của biết bao người, dẫu xa hay gần, chỉ một lần đến thì không thể nào quên.
Một trong các điểm du lịch sinh thái tín ngưỡng dân gian của vùng sông nước ở Cà Mau thu hút đông đảo nhiều du khách nhất đó là vào dịp Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc đã được lưu truyền, giữ gìn và phát huy hơn 90 năm qua.
Theo truyền thuyết, vào ngày 15/7/1925, sau một đêm bão tố mịt mùng, một xác cá Ông (cá Voi) dài 20,3 mét trôi dạt vào Vàm Xoáy được các ngư dân cao niên như: cụ Nguyễn Hữu Định, cụ Nguyễn Văn Học, cụ Mai Văn Lầu, cụ Huỳnh Văn Dỏng, cụ Nguyễn Văn Tiền, cụ Võ Văn Trí, cụ Phan Văn Vị đã thỉnh xác cá Ông về vàm Rạch Ruộng cất Lăng thờ cúng vị Ân ngư (người bạn đường của ngư phủ trên biển cả).
Đến năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào làm cháy Lăng Ông, ngư dân Sông Đốc đã liều mình trong lửa đỏ để cứu hài cốt của cá Ông, nhưng đã bị cháy gần hết chỉ còn 2 xương cạnh hàm của cá Ông. Phần hài cốt đó cháy sém nên ngư dân đã quấn vải đỏ và lập Lăng mới tại vàm Sông Đốc để tiếp tục thờ cúng cá Ông; ngư dân đã thành lập Vạn Lăng Ông để cùng nhau đoàn kết trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng mà đặc biệt là những ngư dân làm nghề biển, các ngư phủ yêu nghề biển cùng các thương nhân kinh doanh, chế biến hải sản và các tiểu thương làm dịch vụ nghề cá cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm ngư nghiệp. Hiện nay, để thực hiện tốt việc thờ cúng và Lễ hội tại Lăng Ông, “Vạn dân” đã bầu ra Ban Trị Sự Lăng Ông để đại diện ngư dân nơi đây phụ trách công việc trị sự và đối ngoại.
Với sự giúp đỡ của ngư dân thập phương, sự quan tâm quản lý điều hành của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Lăng Ông đã được tôn tạo, trùng tu và nâng cấp nhiều lần, trở thành một di tích lịch sử văn hóa tôn kính, một biểu tượng tinh thần cao đẹp của ngư dân và ngành ngư nghiệp tỉnh Cà Mau.
Hàng năm, vào trung tuần tháng 2 âm lịch, cửa biển sông Ông Đốc sôi động hẳn lên bởi hàng chục ngàn du khách thập phương hội tụ về đây hòa mình vào lễ hội Nghinh Ông. Đến với Lễ hội, du khách dễ dàng ra khơi cùng đoàn tàu rước cá Ông (ngày 15/02 âm lịch). Khi đó du khách sẽ được hòa mình vào biển cả bao la; đến với bầu trời vào xuân trong veo, từng cánh hải âu tung bay trong không gian cao vút; hàng ngàn con tàu đánh bắt thủy sản cùng đồng hành với hàng chục ngàn du khách tiến xa ra biển đón linh hồn cá Ông về với Lăng Ông. Vào các ngày diễn ra lễ hội, ngư dân có dịp tỏ lòng tri ân đối với vị “Thần cá” đã từng chống chọi với bảo tố giữa biển khơi bao la, liều mình cứu lấy sinh linh của ngư dân gặp nạn, thực hư thế nào chưa rỏ nhưng đây là truyền thuyết mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đồng hành cùng với lễ hội năm nay Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Đốc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở và các trò chơi dân gian; Đoàn cải lương Hương Tràm về kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân trong 03 đêm diễn ra Lễ hội.
Đến với Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, du khách tha hồ thưởng thức hoặc dùng làm quà biếu từ các món ăn đặt sản của vùng biển Tây nam như: Tôm, cua, mực tươi, mực khô, cá biển tươi, cá biển khô các loại.
Hiện nay, Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Sông Đốc và các điểm du lịch ở huyện Trần Văn Thời đang được quan tâm đầu tư để đánh thức hơn nữa tiềm năng lợi thế của địa phương; quan tâm phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch…để ngành công nghiệp không khói nơi đây phát triển bền vững, luôn là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.