Giăng lưới là một trong những phương pháp khai thác, đánh bắt cá đơn giản nhưng có truyền thống từ lâu đời và khá phổ biến, gần gũi với người dân vùng sông nước Cà Mau.
Giăng lưới giữa rừng tràm U Minh. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.
Từ thời đi khẩn hoang, mở đất, lưới là một trong những ngư cụ không thể thiếu của nhiều hộ nông dân Cà Mau. Hầu như nhà nào, hộ nào cũng có vài “tay lưới” để giăng bắt cá bán làm kế mưu sinh hoặc để “cải hoạt” bữa ăn cho gia đình.
Lưới được “keo” từ những manh lưới gân hoặc ni long. Phía trên và phía dưới có 2 giềng lưới. Giềng lưới phía trên được “keo” phao cho nổi giềng lên mặt nước. Giềng phía dưới được “bắt” (cột, bấm, cố định) từng mảnh chì nhỏ, khoảng cách dày thưa tùy thuộc vào “dạo” (chiều cao) của lưới dài hay ngắn. Lưới có “dạo” dài thì sẽ “bắt” nhiều chì và lưới có “dạo” ngắn thì sẽ “bắt” ít chì hơn. Mặt lưới lớn nhỏ tùy vào yêu cầu của người sử dụng để bắt cá lớn hay cá nhỏ. Thông thường, giăng cá sặc, cá chốt, cá chạch, cá rô dăm thì mặt lưới từ 2 đến 3 phân. Giăng cá rô, cá trê, cá lóc, cá thác lác, cá bổi, cá phi, cá đối, cá chét, cá úc…thì mặt lưới từ 4 đến 10 phân. Giăng cá chẽm thì mặt lưới và chỉ lưới càng to hơn. Ngoài lưới truyền thống (1 màng) còn có lưới 3 màng. Loại lưới này có 3 màng lưới, với 3 mặt lưới và 3 độ chỉ khác nhau. Loại lưới này “bén” hơn lưới truyền thống vì khi cá lớn, cá nhỏ đi vào đều bị “dính” lưới.
Gỡ cá “dính” lưới. Ảnh: Trần Thể.
Khi “keo” từ những manh lưới gân người ta thường chọn những manh lưới sẩm màu và nếu lưới ni long có màu trắng sáng thì phải “sắn” (nhuộm phẩm màu hoặc nước ngâm vỏ cây đước) làm cho lưới tối màu để “ngụy trang” cá.
Khi giăng, thông thường ở 2 đầu giềng lưới phía trên được cột cố định vào 2 “đầu đài” (trụ cắm xuống đất) để căng và giữ lưới. Cũng có trường hợp khi giăng 2 đầu giềng lưới không cột vào 2 “đầu đài” mà chỉ cột vào những tấm xốp, can nhựa cho nổi lên trên để thả lưới trôi theo dòng nước. Phương pháp giăng lưới kiểu này thường để bắt cá úc, cá ngát, cá chẽm trên các dòng sông sâu và có nước chảy xiết. Theo quán tính, bản năng, cá tung tăng bơi lội hoặc mải mê theo đuổi mồi rồi cứ chui đầu vào và mắc lưới.
Sau khi giăng, thông thường sau một đêm hoặc vài giờ đồng hồ là tiến hành “thăm lưới” (kiểm tra, thu hoạch). Khi cá “dính” lưới, cá được “gỡ” (tháo, bắt ra) và mang về.
Người giăng lưới giỏi thường biết nơi nào có nhiều cá và ít mắc vào chà chôm, gai góc. Trước đây, ở vùng nông thôn Cà Mau hầu như nhà nào cũng “keo” vài “tay” có khi hàng chục “tay” lưới để giăng cá bán kiếm tiền và để kiếm cá ăn. Khi nào rảnh hoặc nhà có khách, không có cá ăn thì cứ mang lưới ra ao đìa, sông rạch xung quanh nhà giăng thì vài chục phút sau có cá để ăn.
Giăng lưới là một trong những nghề truyền thống, rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với đời sống cư dân vùng sông nước Cà Mau.