Mô hình sáng kiến sản xuất lúa tôm tại ấp Cái Bát, xã Lợi An, Huyện Trần Văn Thời được tổ chức tổ chức Oxfam phối hợp với Ban quản lý Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” Trung ương Hội nông dân triển khai thực hiện tại ấp Cái Bát, xã Lợi An, Huyện Trần Văn Thời với tổng số tiền trên 679 triệu đồng; trong đó vốn do ngân sách dự án hỗ trợ 223 triệu đồng, vốn đối ứng của thành viên tổ nhóm 456 triệu đồng. Các hạng mục thực hiện bao gồm: lúa giống, tôm giống, phân bón, đồ bảo hộ lao động. Thông qua dự án đã làm thay đổi nhận thức một cách tích cực về vai trò, vị trí của nữ nông dân trong đời sống và sản xuất.
Qua gần 1 năm triển khai, mô hình mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hài hòa với môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã tận dụng được 2 đối tượng nuôi trồng trong một hệ sinh thái, trên cùng một diện tích góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Tạo thêm nhiều việc làm hơn cho nữ nông dân, trong hoạt động sản xuất lúa, nữ tham gia nhiều nhất vào khâu cấy dặm và phơi lúa; trong nuôi tôm quảng canh, phụ nữ tham gia nhiều nhất ở công đoạn thu hoạch và bán sản phẩm do hoạt động này thường thực hiện mỗi ngày nhưng không tốn nhiều sức lao động và phụ nữ cũng là người giữ tài chính để chi tiêu nông hộ hàng ngày. Đặc biệt giúp cho nhiều nữ nông dân trên đại bàn thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; tạo thói quen trong việc sản xuất các loại nông sản an toàn trong mỗi gia đình nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho nông dân.
Ông Võ Văn Lạc, Phó chủ tịch UBND xã Lợi An, Huyện Trần Văn Thời nhận định: “Thông qua dự án bước đầu đã làm thay đổi được nhận thức của chị em phụ nữ trong công tác bình đẳng giới cũng như thay đổi cách nghĩ cách làm trong đời sống sinh hoạt nói chung, lao động sản xuất nói riêng. Từ đó nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Đồng thời, mong muốn dự án tiếp tục được đầu tư nhân rộng ở các tổ nhóm nông dân khác trên địa bàn xã”.
“Thông qua các buổi tuyên truyền tập huấn của dự án đã giúp nâng cao nhận thức cho các hội viên nông dân nhất là hội viên nông dân nữ về bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động, kinh tế tập thể, bảo hiểm xã hội, canh tác lúa tôm an toàn, với sự tham gia nhiều hơn của nữ nông dân. Từ những thay đổi về nhận thức, các hội viên nông dân trong xã đã dần thay đổi cách làm như những việc trước đây đều do nam giới làm thì hiện nay nữ giới đều có thể làm được. Các vấn đề an sinh xã hội cũng được người dân quan tâm hơn”. Bà Nguyễn Minh Châu, thành viên hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, ấp Cái Bát, xã Lợi An, Huyện Trần Văn Thời chia sẻ.
Dự án “thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” thực hiện tại 28 tỉnh, thành trong cả nước với mục tiêu đem lại những lợi ích thiết thực góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc đối với người nông dân; đặc biệt là lao động nữ để thực hiện bình đẳng giới.