Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, với 3 mặt giáp biển và có ngư trường rộng lớn. Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc. Vùng biển Tây Nam tỉnh Cà Mau nằm trong vùng biển Vịnh Thái Lan, quanh năm kín gió, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm nên có trữ lượng lớn cá bớp sinh sống, trú ngụ.
Đặc sản cá bớp vùng biển Tây Nam Cà Mau. Ảnh: Phương Bằng.
Cá bớp là loại cá da trơn, sống nhiều ở vùng biển Tây Nam tỉnh Cà Mau. Trong đó, khu vực đảo Hòn Chuối, cách cửa biển sông Ông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời 17 hải lý về phía tây từ lâu được mệnh danh là chiếc nôi cho loài cá bớp sinh sôi, phát triển. Hằng năm, trên vùng biển này ngư dân Cà Mau và các tỉnh lân cận trong khu vực khai thác, đánh bắt hàng ngàn tấn cá bớp thương phẩm. Gần đây, việc khai thác, đánh bắt quá mức đã làm cho nguồn lợi cá bớp dần bị cạn kiệt. Hiện nay, hàng chục hộ dân trên đảo Hòn Chuối thực hiện mô hình nuôi cá bớp lồng bè và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi cá bớp lồng bè trên đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.
Cá bớp ăn nhiều loại cá tạp nên rất dễ nuôi và mau lớn. Trung bình mỗi con cá bớp lúc trưởng thành nặng khoảng 4 đến 6 kg. Cá bớp ít xương, xương có nhiều sụn, thịt săn chắc, ngon ngọt, có nguồn dinh dưỡng dồi dào và có giá trị kinh tế cao. Do đặc tính hô hấp qua da nên cá bớp dễ rọng hoặc nuôi dưỡng sau khi khai thác, đánh bắt. Nhờ vậy mà tại nhiều nhà hàng, quán ăn ở Cà Mau có thể rọng cá bớp trong hồ kính nhiều ngày mà cá vẫn không chết để phục vụ các món ăn tươi sống cho thực khách.
Cá bớp Cà Mau có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như hấp hành cuốn bánh tráng, nướng muối ớt, nấu lẩu chua, kho tộ… Hiện nay, hầu hết các nhà hàng, quán ăn có quy mô lớn, nhất là các nhà hàng quán ăn chuyên bán các loại thủy hải sản trên địa bàn thành phố Cà Mau đều có phục vụ các món ăn từ đặc sản cá bớp Cà Mau.